Thành lập công ty để mua bán nợ
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa quyền Chánh Thanh tra Ngân hàng (NH) Nhà nước , công bố tại cuộc họp báo của NHNN công bố về nợ xấu hôm 12/7/2012, cho biết phương án thành lập công ty mua bán nợ mới đang được nghiên cứu để báo cáo lên Chính phủ.Trong một tuyên bố trước đó không lâu ông Nguyễn Văn Bình – Thống đốc NHNN cho biết sẽ thành lập công ty mua bán nợ xấu với số tiền khoảng 100.000 tỉ đồng.
Các con số được Chính phủ công bố tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 6-2012 cho thấy đến cuối tháng 5-2012, các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng rủi ro được 67.300 tỉ đồng, chiếm 57,18% nợ xấu. NH Nhà nước yêu cầu các NH thương mại đẩy mạnhthực hiện phương án trích lập dự phòng rủi ro.
Vào đầu tháng 7, ông Vũ Đức Đam – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho các phương tiện thông tin đại chúng biết, không nhất thiết chờ đến khi thành lập công ty mua bán nợ mới xử lý nợ xấu mà Chính phủ yêu cầu các NH thương mại phải bắt tay làm ngay.
Theo ông Huỳnh Bảo Sơn, một chuyên gia kinh tế thì hiện nay việc thống kê tình hình nợ xấu chưa phản ánh tính chất nhất thời của nó. Ông Sơn phân tích “bao nhiêu tiền trích lập dự phòng mới đủ cho nợ xấu nên chúng không phản ánh hết tính khẩn cấp, mối nguy của nợ xấu” , và giải quyết nợ xấu nhằm cải thiện thanh khoản của các NH tốt hơn, lành mạnh hơn.
Việc thành lập doanh nghiệp mua bán nợ xấu là việc tất yếu phải làm để xử lý rốt ráo “cục máu đông” theo thông lệ quốc tế - đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế. Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu phân tích nợ xấu NH đã trở thành vấn đề của quốc gia, cần Nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình để giải quyết chứ không nên để các NH thương mại tự xử lý. Đặc biệt là trong điều kiện cơ chế xử lý tài sản thế chấp từ lúc xếp khoản vay vào nhóm nợ xấu đến khi phát mãi tài sản, thu hồi vốn về ngân hàng... mất từ 1 năm rưỡi đến 2 năm. Khi đó, các Ngân hàng sẽ còn “bơi” trong đống nợ xấu chưa biết khi nào mới xong, còn dòng tiền vẫn nằm “chết” ở tài sản thế chấp. Trong 20 năm qua, các quốc gia từng gặp vấn đề nợ xấu như Hàn Quốc, Mỹ đều chọn cách xử lý nợ xấu thông qua việc thành lập công ty mua bán nợ và họ đã thành công.
Trong một động thái khác, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đưa ra sáng kiến nên chứng khoán hóa các khoản nợ xấu. Với những công ty có khả năng hồi phục sau một thời gian, khoản nợ sẽ chuyển một phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn để hỗ trợ thanh khoản giúp doanh nghiệp đó tồn tại. Một hướng khác, Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại nên chuyển các khoản nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần và các ngân hàng (chủ nợ cũ) sẽ trở thành thành cổ đông lớn nắm đa số cổ phần đối với những doanh nghiệp có thể phục hồi. Đây là hai phương thức mà các nước đã thực hiện để xử lý nợ xấu theo thông lệ quốc tế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét